CON HƠN CHA LÀ NHÀ CÓ PHÚC
Founder Rabity - 'Ái nữ' của May Tân Phú: Thế hệ F1 nâng tầm cơ nghiệp gia đình, lập chuỗi thời trang trẻ em hàng đầu Việt Nam
20/10/2022 10:26 AM | KINH DOANH
ĐỌC BÀI - 16:26
Chúng ta có thể dùng từ ‘con hơn cha là nhà có phúc’ để nói về trường hợp của Trần Hồng Hạnh – Founder kiêm CEO của Rabity. Hồng Hạnh không đơn giản kế thừa sự nghiệp của ba mẹ, mà còn đưa nó lên một tầm cao mới. Cô giúp doanh nghiệp gia đình, từ chỉ có sản xuất – bán sỉ, chuyển sang bán lẻ và thành công xây dựng thương hiệu quần áo trẻ em có quy mô lớn nhất Việt Nam và mở rộng sang thị trường Campuchia.
Nói Trần Hồng Hạnh 'vượt sướng' khởi nghiệp là không đúng, vì doanh nghiệp nhà cô sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển vẫn cứ nằm ở tầm trung – với khoảng 500 lao động; nhưng mà bảo cô 'vượt khó' cũng không đúng. Nói đúng ra thì Hồng Hạnh không tay trắng khởi nghiệp, nhưng con đường cô đi không phải được trải toàn hoa hồng.
Tại Việt Nam, có rất nhiều F1 như Hồng Hạnh, nhưng không phải ai cũng có thể vừa thành công tạo ra sự nghiệp riêng của bản thân, đồng thời khiến doanh nghiệp của gia đình đi lên một tầm cao mới.
Sau 7 năm, thương hiệu thời trang trẻ em do cô gây dựng đã có 65 cửa hàng khắp Việt Nam – 50% trong đó là ở TP.HCM và Hà Nội, cửa hàng nhượng quyền dưới 5. Ngoài ra, Rabity còn có 2 cửa hàng nhượng quyền ở Campuchia.
Một thông tin không nhiều người biết là công ty gia đình và cũng là công ty mẹ của Rabity – Tân Phú, sản xuất hàng thời trang cho cả người lớn lẫn trẻ em. Nhưng sau khi Rabity ra đời, thấy cơ hội lớn từ thị trường thời trang trẻ em, họ chỉ còn tập trung may đồ cho các bé. Hiện tại, công ty mẹ Tân Phú, ngoài sản xuất hàng cho Rabity, còn bán vào các siêu thị như Big C, Vinmart hay AEON, xuất khẩu
Chào Hạnh, Hạnh có thể chia sẻ cơ duyên khiến mình quyết định bắt tay làm thương hiệu Rabity khi tuổi đời còn rất trẻ?
Tôi tốt nghiệp RMIT Hà Nội. Sau khi ra trường, tôi có vào làm việc cho PwC, nhưng sau đó cảm thấy mình không phù hợp với công việc kiểm toán, tôi mới chuyển hướng sang làm tài chính doanh nghiệp.
Sau đó, tôi có tham gia và chương trình "Quản trị viên tập sự" của Nestle Việt Nam. Trong 2 năm ở đó, nhân sự như tôi sẽ đi đến nhiều bộ phận khác nhau, từ marketing – sale – nhà máy, để hiểu hết tổng quan công ty, trước khi bước vào chuyên ngành chính của mình là Tài chính.
Kết thúc 2 năm tập sự, tôi quyết định quay về công ty gia đình làm việc luôn. Thực ra, sau khi tốt nghiệp trường đại học, tôi cũng không nghĩ là sẽ quay về công ty gia đình, mà muốn đi ra ngoài làm việc và xây dựng một sự nghiệp riêng cho bản thân mình, để biết mình thực sự muốn cái gì, thích cái gì.
Trong quá trình đi làm, đặc biệt là thời gian làm tại Nestle, tiếp xúc với các đồng nghiệp nữ trong công ty, tôi nhận thấy một sự thật: các chị rất khó để tìm đồ cho con cái mình tại thời điểm đó. Bởi, cách đây khoảng 7 năm, ở Việt Nam chưa có bất cứ thương hiệu thời trang nào lớn dành cho trẻ em.
Lúc đó, chị nào có điều kiện thu nhập cao một chút sẽ order đồ từ nước ngoài về. Chẳng hạn bên hãng Carter's đang có chương trình giảm giá, các chị sẽ đặt hàng và nhờ người mang về, tất nhiên là thời gian chờ lâu và chi phí cao. Còn những chị ít nguồn lực hơn thì tới trung tâm thương mại hay siêu thị, tìm mua các nhãn hiệu nước ngoài đang bán tại Việt Nam như H&M. Và không ít hàng H&M là 'Made in Vietnam'.
Vì là con nhà nòi, trước thực trạng đó, tôi cảm thấy hơi đau lòng và có một chút tự ái cá nhân. Rõ ràng, người Việt Nam mình sản xuất nhiều sản phẩm may mặc có chất lượng không thua kém gì các nước khác, bản thân Việt Nam là chuyên gia xuất khẩu may mặc đứng thứ 3 thế giới, vậy mà phụ huynh Việt Nam phải đi mua đồ ở một nước xa xôi về cho con mặc. Thậm chí các sản phẩm này hàng năm Việt Nam xuất khẩu rất nhiều.
Thứ hai, về cái hàng Made in Vietnam 'xuất dư'. Vì tôi làm trong ngành nên tôi biết nó không phải như những gì người ta nói. Bản chất những đơn hàng do các đơn vị nước ngoài đặt thường có số lượng rất chặt chẽ và không thể dư nhiều được. Mà nếu có thật sự dư, thì họ sẽ tiêu hủy theo những điều khoản trong văn bản hợp tác quy định.
Điều đó chứng tỏ, những hàng 'xuất dư' đó không xuất phát từ các nhà máy gia công cho các thương hiệu lớn toàn cầu, mà người Việt mình tự may rồi tự dán mác các thương hiệu nước ngoài vào. Theo tôi, ở một chừng mực nào đó là chúng ta đang tự lừa dối nhau.
Đó là những điều rất kỳ lạ, lúc đó tôi luôn cảm thấy day dứt: vì sao người Việt mình hoàn toàn có thể sản xuất ra những sản phẩm chất lượng thế giới, mà người Việt lại không có cơ hội mặc đồ của các doanh nghiệp Việt Nam?!Tôi quyết định mở ra thêm chuỗi Rabity và muốn chứng minh là mình có thể làm được.
Vậy phản ứng của ba mẹ Hạnh như thế nào khi nghe về ý định mở Rabity?
Thật ra, đây là một kế hoạch cũng tương đối rủi ro. Đầu tiên là việc Nam tiến – cửa hàng đầu tiên tôi mở ở TP.HCM chứ không phải tại Hà Nội. Thứ hai, dân trong ngành hay kháo nhau về 'lời nguyền' Nam tiến và Bắc tiến. Có những thương hiệu thời trang (ở thời điểm hiện tại vẫn có), dù họ làm ở 'sân nhà' rất tốt, nhưng khi đi ra vùng miền khác thì lại không tốt.
Nguyên do là bởi thương hiệu thời trang miền Nam ra Bắc rất khó để hiểu hết thị trường, không biết lúc nào thời tiết lạnh ít, lúc nào lạnh vừa. Lạnh ít mặc gì, lạnh nhiều mặc gì. Và tôi cũng biết có nhiều thương hiệu đình đám phía Bắc vào Nam cũng không thành công như kỳ vọng của họ.
Vậy nên, việc mở cửa hàng Rabity đầu tiên tại TP.HCM tương đối rủi ro và tôi cũng phải đấu tranh rất nhiều để bảo vệ quyết định của mình.
Thậm chí, ngay từ đầu, khi đề nghị làm một thương hiệu mới cũng là quyết định bị nhiều người phản đối. Thời đó, phổ biến việc lấy tên công ty làm thương hiệu, vì mọi người đều nghĩ tên công ty là cái gì đó quen thuộc – lâu đời – có uy tín. Khi mình còn nghĩ ra một cái tên mới và còn là tên nước ngoài, tất nhiên bị một vài người phản đối.
Qua thời gian, sau những bước đi dò dẫm cùng với những gì đã thể hiện, tôi cảm thấy tất cả những quyết định trong giai đoạn đầu tiên của mình là chính xác!